Saturday, November 8, 2008

Người Chăm ở PN

Đại Đoàn Kết http://203.171.31.58/ddk/mdNews.ddk?masterId=5&categoryId=54&id=11400
1/61 tỉnh thành/Chúng tôi nói về chúng tôi

Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh: Chia sẻ nỗi lo với cộng động người Chăm
8:59 AM, 07/11/2008 Ngọc Trần – ATQ
Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh là quận có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống lâu đời trên địa bàn gồm 127 hộ - 611 nhân khẩu, tập trung tại khu phố 1 phường 17, đời sống vật chất hầu hết thuộc diện nghèo, trình độ văn hóa thấp. Mặt khác, do sự ràng buộc về phong tục tập quán và nghi thức tôn giáo nên đời sống cộng đồng mang tính khép kín.
Một góc Phú Nhuận sau khi chỉnh trang đô thị
Theo số liệu khảo sát năm 2001, trong cộng đồng dân tộc Chăm có trên 30% trẻ thất học và bỏ học giữa chừng, 20% trẻ học các lớp phổ cập nhưng tỷ lệ học sinh lên lớp không ổn định, vì thường xuyên phải theo cha mẹ buôn bán và trong số này tỷ lệ bỏ học có nguy cơ tăng lên. Có 50% trẻ dưới 12 tuổi suy dinh dưỡng, trên 10% trẻ chưa ngoan và làm trái luật, 3% trẻ đi ăn xin, 8% trẻ chưa có khai sinh. Trong số 37% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có từ 4- 5 con; 75% phụ nữ không biết sử dụng các biện pháp tránh thai. Thanh niên đa phần không có tay nghề, 25% lao động thất nghiệp. Có 24% nhà dân tộc Chăm thuộc loại lụp xụp, xuống cấp, ván mục; 30% nhà không có nhà vệ sinh tự hoại, 6% nhà không có đồng hồ điện, trên 50% nhà không có đồng hồ nước. Qua khảo sát cũng cho thấy đa số đồng bào Chăm có trình độ văn hóa thấp và ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Đời sống kinh tế rất khó khăn, có 65% hộ nghèo, trong đó hộ rất nghèo chiếm tỷ lệ 5,9%.
Trước thực trạng trên, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy, sự điều hành của chính quyền và hoạt động chặt chẽ, xuyên suốt, đồng bộ của đoàn thể qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác tôn giáo, dân tộc của Đảng, quận Phú Nhuận đã tạo được sự đồng tình, sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị quận về thiết thực chăm lo đời sống cộng đồng người Chăm. Trước hết, quận Phú Nhuận đã thành lập ban quản lý chương trình “Hỗ trợ đời sống cộng đồng người Chăm” nhằm tập trung đồng bộ khả năng của các cấp, các ngành trong công tác chăm lo toàn diện cho đồng bào Chăm ở địa phương. Qua hơn 5 năm thực hiện với các nội dung cụ thể: vận động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức cộng đồng, công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Chăm, đến nay chương trình đã hoàn thành 100% việc xây dựng nhà tình thương cho đồng bào Chăm; 100% hộ có nhà vệ sinh tự hoại, gắn điện kế, đồng hồ nước... Thông qua các nguồn quỹ xã hội, quận đã cho trên 50 lượt hộ vay vốn xóa đói giảm nghèo, tín dụng tiết kiệm (104 chị/146 triệu); hỗ trợ 100% vốn học nghề và giới thiệu việc làm cho người Chăm có hoàn cảnh khó khăn. Từ 83 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn đầu chương trình, đến nay chỉ còn 10 hộ.
Quận Phú Nhuận còn vận động bà con người Chăm cho con em học tập nâng cao trình độ văn hóa, thực hiện miễn toàn bộ học phí tại các cấp học, vận động trên 100 suất học bổng hàng năm, tổ chức phụ đạo miễn phí... Do đó, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100% và có từ 4 đến 8 em đã và đang học đại học ở các trường trong và ngoài nước (trước đây không có trường hợp nào). Kiến thức về vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, hiểu biết về pháp luật từng bước được nâng cao, đời sống người Chăm đã có chuyển biến đáng kể. Từ ít gắn kết, họ đã từng bước hòa nhập với cộng đồng và tham gia các phong trào do địa phương, đoàn thể phát động như tham gia sinh hoạt các đoàn thể, các hội quần chúng (Chi đoàn, Chi hội thanh niên, Chi hội phụ nữ Chăm, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Chữ thập đỏ); tham gia các đội thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ...
Ngoài ra, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên quận Phú Nhuận còn tổ chức hướng dẫn kỹ năng vận động đồng bào dân tộc trong đoàn viên, hội viên, phân công đoàn viên, hội viên vận động người Chăm tham gia phong trào, có cơ cấu đại diện người Chăm trong ban chấp hành..., do đó đã thực hiện tốt công tác dân tộc, xây dựng, tập hợp lực lượng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, UB MTTQ quận còn phối hợp với Ban Tôn giáo vận động các chùa tham gia hỗ trợ chăm lo tặng nhà tình thương cho đồng bào người Chăm nghèo, tạo sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Trưởng ban Dân vận Quận uỷ Phú Nhuận, ông Huỳnh Cách Mạng cho biết, có thể nói, Chương trình hỗ trợ đời sống cộng đồng người Chăm trên địa bàn quận Phú Nhuận là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của đồng bào dân tộc Chăm, do đó được đồng bào dân tộc Chăm hưởng ứng và cùng phối hợp thực hiện. Chương trình đã tạo sự chuyển biến trong đồng bào dân tộc Chăm, nâng dần nhận thức, sự hiểu biết chung của đồng bào dân tộc Chăm về kiến thức xã hội, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là nâng cao sự hiểu biết của gia đình đối với việc chăm lo học hành của con cái họ. Đồng bào dân tộc Chăm đã thấy được việc buôn bán dạo, nhỏ lẻ theo truyền thống cũ, thu nhập không ổn định, không thể cải thiện đời sống và không thể hòa nhập với xã hội, và muốn đổi đời chỉ có con đường duy nhất là cho con học chữ, học nghề. Và cũng thông qua chương trình, đồng bào dân tộc Chăm từng bước hòa nhập vào cộng đồng dân cư, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đầy đủ các phong trào do quận và phường phát động. Đồng bào dân tộc Chăm đã nhận thức sâu sắc hơn về chính sách dân tộc tôn giáo của Đảng và Nhà Nước ta, tạo sự phấn khởi, nâng cao ý thức trách nhiệm và niềm tin đối với Đảng và chính quyền, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

No comments: